Tin tức

Rà soát quy hoạch cứu ngành cao su

(19/06/2014)



 
 
Nếu như trước đây cao su được xem là “vàng trắng”, thì nay diễn biến thị trường đang đầy bất lợi cho người trồng, DN chế biến lẫn xuất khẩu (XK).
 

3 năm giá giảm 50%

Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết trong 4 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã  XK được 188.505 tấn cao su, đạt 376,5 triệu USD với đơn giá bình quân khoảng 1.997 USD/tấn, giảm 18,8% về lượng và 25% về giá so với cùng kỳ năm 2013. Lượng cao su thiên nhiên XK giảm hầu hết ở các thị trường so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trương Minh Trung, Chánh văn phòng Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), cho biết 6 tháng đầu năm 2014, VRA chế biến chỉ tương đương 96,5% lượng chế biến cùng kỳ năm 2013, tồn kho lũy kế đến ngày 6-6 là 44.722 tấn (bao gồm cao su đã ký hợp đồng nhưng chưa giao), cao hơn cùng kỳ năm ngoái 6.636 tấn; doanh thu toàn tập đoàn lũy kế đến 6-6 đạt 3.519,5 tỷ đồng, bằng 23,2% kế hoạch năm 2014 và chỉ đạt 73,6% so cùng kỳ năm 2013.

 

Giá cao su thiên nhiên liên tục giảm do nguồn cung dư thừa. Điều này đã khiến DN sản xuất gặp khó, nhiều lô hàng bị thua lỗ vì phải bán dưới giá thành. Các nước sản xuất lớn đã kêu gọi không bán cao su ở mức giá thấp, đồng thời khuyến cáo nên giảm sản lượng khai thác. 2 thị trường Trung Quốc và Malaysia (tiêu thụ khoảng 70% lượng cao su XK) đều giảm lượng nhập khẩu, nhiều DN ở 2 quốc gia này đã ký hợp đồng nhưng vẫn đang trì hoãn việc nhận hàng do tình trạng tồn kho cao.

 

Là DN XK cao su thiên nhiên với thâm niên hơn 10 năm trên thị trường, nhưng chưa bao giờ ông Trịnh Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ánh Sáng (TPHCM), lại thấy ngán ngẩm như hiện nay. Ông Phong cho biết 2-3 năm nay, cao điểm là bước sang năm 2014, diễn biến thị trường ngày càng tồi tệ do nhu cầu giảm, bạn hàng ngày càng khó tính. So với 6 tháng cùng kỳ năm 2013, sản lượng cao su thiên nhiên xuất đi của công ty giảm gần 50%, giá giảm khoảng 30%.

“Sự căng thẳng trên biển Đông thời gian qua không ảnh hưởng nhiều, nhưng DN 2 bên dè chừng nhau ở khâu thanh toán. Trung Quốc vốn là thị trường tiêu thụ cao su lớn, nhưng do khủng hoảng kinh tế cộng với lượng hàng tồn kho tại quốc gia này quá lớn, họ không mua mang tính đầu cơ như trước khiến sức mua giảm đáng kể” - ông Phong cho biết.

Tương tự, ông Trần Tuyên Huấn, Tổng Giám đốc CTCP Á Châu Tài Nguyên, cho biết nếu như trước đây trung bình mỗi năm công ty XK 4.000-5.000 tấn thì nay chỉ XK cầm chừng, hạn chế bán ra vì giá giảm quá mạnh. Thí dụ, đầu năm mặt hàng chủ lực SVR 3L giá khoảng 2.200USD/tấn, đến tháng 4 giảm còn khoảng 2.000-2.050USD/tấn, hiện tại giá giảm sâu còn 1.850USD/tấn.

Nhu cầu tại các thị trường XK chính gồm Trung Quốc, Nam Mỹ, EU, Ấn Độ, Hàn Quốc… đều giảm mạnh. So với thời điểm giữa năm 2011, giá cao su có lúc đứng ở mức 4.400- 4.500USD/tấn, thì mức giá hiện nay chỉ còn 2.030USD/tấn, giảm gần 50%.

Nâng cao chất lượng

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su-Nhựa TPHCM, để cứu ngành cao su vượt qua khó khăn trước mắt, việc đầu tiên phải rà soát và kiểm soát quy hoạch một cách chặt chẽ, tránh việc phát triển diện tích cao su tự phát như thời gian qua. Bất cập của ngành cao su lâu nay là người dân, DN ồ ạt trồng cao su theo phong trào, thậm chí trồng cao su trên cả những vùng đất cho năng suất thu hoạch không cao.

Và khi đã trồng ồ ạt như vậy, người dân chọn những giống cây không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, năng suất thấp. Vì vậy, để trồng cao su có lãi cần lưu ý khâu chọn giống và những vùng có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Ông Trần Tuyên Huấn cho rằng trong bối cảnh giá cao su giảm mạnh, vẫn chưa thấy có chính sách nào đề cập đến việc cần thiết phải tiết giảm diện tích trồng cao su không phù hợp hoặc các vườn cây già cỗi.

Giải pháp để giá cao su không tiếp tục giảm sâu lúc này là phải giảm mật độ cạo mủ, giảm cung ra thị trường. Chẳng hạn, thay vì 2 ngày cạo/lần, nay chỉ còn 4 ngày cạo/lần; hoặc tập trung đầu tư công nghệ, dây chuyền chế biến hiện đại, sản xuất mặt hàng cao su chất lượng cao để có giá bán tốt hơn, cạnh tranh hơn.

 

Mặc dù tồn kho cao su của VRG ở mức khá cao, nhưng ông Trương Minh Trung cho rằng VRG nhận định khó khăn cũng chính là cơ hội để tổ chức rà soát, cải tổ và đề ra phương hướng mới trong việc tiếp cận thị trường theo hướng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng và đa dạng hóa thị trường XK mới, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

VRG cũng chỉ đạo các đơn vị thành viên lên nhiều phương án sản xuất-kinh doanh theo các kịch bản về giá thành-giá bán khác nhau để chủ động trong điều hành sản xuất, yêu cầu các đơn vị rà soát lại toàn bộ các yếu tố cấu thành giá sản xuất để giảm chi phí quản lý, đầu tư trang thiết bị hàng năm. Cũng theo ông Trung, để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, việc nâng cao và ổn định chất lượng cũng như quản lý chất lượng đối với cao su XK là hết sức cần thiết.

MINH TUẤN
Theo saigondautu.com.vn
 

 


<< Quay lại


Reporter :  webmaster
Source : 


  • x